Tin mới nhất

Dự án bất động sản: Khắc phục tình trạng “bỏ hoang"

ad+1


Hàng loạt dự án đất nền đã có chủ, nhưng vì nhiều lý do người mua chưa xây nhà, dẫn đến nhiều khu dân cư mới trở nên hoang hóa; thậm chí xây xong nhưng không ở hoặc chỉ để… nuôi chim yến; hoặc có chủ đầu tư sau khi “xí” đất dự án rồi bất động. Tình trạng trên dẫn đến bộ mặt đô thị nhếch nhác, tài nguyên bị lãng phí.

Nhà, đất đều bỏ hoang

Mặc dù thị trường mua bán nhà đất đang trên đà khởi sắc nhưng tại các quận vùng ven như quận 7, quận 9, huyện Nhà Bè hay một số tỉnh lân cận TPHCM như Bình Dương, Đồng Nai… hàng loạt dự án đất nền, căn hộ vẫn trong tình trạng “hoang hóa”. Đặc biệt, trong đó nhiều dự án đã triển khai xây dựng cách đây hơn chục năm nhưng đến nay hạ tầng cũng chỉ có những đường đi nội bộ được rải đá cấp phối.

mua bán nhà đất

Dự án nhà phố, biệt thự An Khang thuộc phường Phú Hữu (quận 9) có quy mô hơn 11ha, hàng chục căn biệt thự, nhà phố được người mua xây dựng, hoàn thiện cơ bản rồi… bít cửa để đó. Một số người dân sống gần đó tận dụng trồng rau, nuôi gà, không ít chủ nhân tận dụng nuôi chim yến cho đỡ lãng phí. Những căn nhà vắng chủ lâu ngày cỏ mọc um tùm cộng với tiếng kêu phát ra từ máy “dụ yến” làm cho cả một khu vực u ám khó tả. Mặc dù dự án nằm cạnh đường cao tốc TPHCM - Dầu Giây - Long Thành, nhưng tình trạng hoang vắng người ở vẫn tiếp diễn.

Cách đó không xa, một số dự án như Bách Khoa, Đông Thăng Long… cũng không có gì khá hơn. Tại Nhà Bè, quận 2, một số dự án đất nền như Anh Tuấn Garden, Thạnh Mỹ Lợi… cũng không có hoặc rất ít người đến xây nhà để ở.

Khắc phục bằng cách nào?

Để khắc phục tình trạng các dự án bị “treo” quá lâu, thời gian qua TPHCM đã kiên quyết thu hồi pháp lý của những dự án này. Đến nay, UBND TPHCM đã ra quyết định thu hồi 536 dự án phát triển đô thị chậm tiến độ hoặc không triển khai, trả lại quyền lợi hợp pháp cho người dân trong khu vực có dự án. Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) cũng tiếp tục “siết chặt” những dự án chậm triển khai.

Trên góc độ thị trường, trong bối cảnh thị trường mua bán nhà đất cạnh tranh ngày càng khốc liệt, người mua ngày càng kỹ tính hơn, cũng sẽ buộc chủ đầu tư phải đầu tư một cách bài bản cho dự án của mình mới mong thu hút khách. Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corp, cho biết, hiện nay thị trường không còn như trước kia - cứ vẽ cho thật đẹp trên giấy là có thể làm “hoa mắt” khách hàng. Nay để thuyết phục khách hàng mua, công ty phải năm lần, bảy lượt tổ chức xe đưa khách đi tham quan dự án. Muốn thu hút khách hàng thích và đến ở ngay, công ty phải đầu tư hạ tầng đầy đủ và kết nối đồng bộ, người mua mới thích dọn về ở và như vậy sẽ hạn chế tình trạng mua xong bỏ trống một cách lãng phí. Bà Mẫu chia sẻ: “Một dự án dù chủ đầu tư đã hoàn thành chỉ tiêu về mặt kinh doanh, dù quy mô lớn như thế nào, đẹp đến mấy nhưng không có cư dân đến ở, coi như dự án ấy chưa thành công”.



Tương tự, dự án Him Lam Chợ Lớn cũng tạo được sự chú ý nhờ đầu tư hàng loạt tiện ích: khu vực tập dưỡng sinh, đi bộ cho người già và khu vui chơi trẻ em, trường học, hồ bơi... Dự án xây hoàn thiện mới đưa ra thị trường, vì vậy khách hàng mua xong có thể dọn vào ở ngay. Với hạ tầng đồng bộ, nhiều tiện ích cuộc sống, hy vọng dự án sẽ nhanh chóng được tiêu thụ và lấp đầy.

Sắp tới bằng các quy định chặt chẽ về vốn pháp định trong kinh doanh bất động sản, những tay chơi nghiệp dư sẽ phải chấp nhận rút khỏi thị trường. Về góc độ quản lý, cũng cần có những quy định ràng buộc chủ đầu tư phải đầu tư đầy đủ tiện ích, hạ tầng hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu mua là ở được ngay, mới mong hạn chế được tình trạng nhiều dự án bỏ hoang, xây xong không người vào ở.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

0 nhận xét: