Tin mới nhất

Chiến lược “lan tỏa” của các doanh nghiệp BĐS Tp.HCM

ad+1

Nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) ở Tp.HCM đang áp dụng nhuần nhuyễn chiến lược "du kích", từng bước lan tỏa để lấp đầy khoảng trống trên thị trường, tập trung vào nhu cầu ở thật của khách hàng

Các chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng hiện nay vẫn còn khá nhiều khoảng trống lớn. Mỗi phân khúc từ cao cấp, trung cấp tới bình dân đều không thiếu "đất" để đầu tư. Vấn đề quan trọng là việc phân chia "miếng bánh" thị phần này như thế nào.
Có thể thấy, thị trường mua bán nhà đất Tp.HCM đang phân hóa rõ nét với hai "trường phái" đầu tư khác nhau. Những "đại gia" như Đại Quang Minh, Phú Mỹ Hưng, Vingroup chọn chiến lược "hùng cứ một phương" bằng cách đầu tư thực hiện các "đại dự án" như KĐT Phú Mỹ Hưng (quận 7), KĐT Sala (quận 2), hay Vinhomes Central Park (Bình Thạnh) để tạo dấu ấn và điểm nhấn riêng.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp BĐS khác lại chọn chiến lược "du kích", từng bước xâm nhập, lan tỏa vào thị trường "ngách" nhằm chiếm lĩnh các khoảng trống còn lại của thị phần.
Đơn cử, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Hung Thinh Corp) thực hiện chuỗi dự án căn hộ bình dân nhằm tập trung vào đối tượng có thu nhập trung bình khá như các dòng căn hộ 8X đã tạo nên thương hiệu cho doanh nghiệp này. Đồng thời, doanh nghiệp này chọn chiến lược đầu tư từng dự án riêng lẻ, không tập trung vào một khu vực cụ thể mà nằm rải rác ở các quận ven trung tâm thành phố như 8X Đầm Sen (Tân Phú), 8X Rainbow (quận Bình Tân), 8X Plus (quận 12), Sky Center (quận Tân Bình), Florita (quận 7)...

mua bán nhà đất

Điều đáng chú ý là các dự án của Hung Thinh Corp hay Novaland đều tập trung tại các địa bàn có mật độ dân cư đông đúc, hạ tầng kỹ thuật và xã hội đã hoàn thiện nhưng vẫn thiếu vắng những dự án nhà ở chất lượng cao. Chia sẻ với phóng viên, đại diện của hai đơn vị này cho biết đa số khách hàng đến với dự án đều sinh sống hoặc làm việc ở khu vực lân cận và đều có nhu cầu về nhà ở.Hay như Tập đoàn Novaland cũng không chạy theo chiến lược "đóng đô" như một số đại gia khác mà săn tìm những vị trí đẹp, trải đều dự án ở các quận trung tâm Tp.HCM như dự án Sunrise City (quận 7), River Gate (quận 4), The Sun Avenue (quận 2), The Botanica (Tân Bình), Willton (Bình Thạnh), Orchard Garden (Phú Nhuận)...
Các chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp chọn hướng đi bằng cách đầu tư từng dự án riêng lẻ sẽ giúp họ tiết chế được các khoản đầu tư khác như hạ tầng kỹ thuật, phúc lợi xã hội... "Đặc biệt, do mỗi dự án nằm trên những địa bàn khác nhau nên có tính đặc thù cao, phù hợp với từng đối tượng khách hàng hơn", một chuyên gia nhận định.
Đặc thù của BĐS là cần nguồn vốn lớn. Giữa bối cảnh lãi suất cho vay vẫn còn khá cao và khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng còn khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp BĐS phải chọn bài toán "ăn chắc, mặc bền", tập trung mọi nguồn lực để tối ưu hóa từng dự án và không chạy theo số lượng.
Đại diện nhiều doanh nghiệp BĐS cho biết, chiến lược của các công ty hiện nay là chủ động về nguồn lực, kiểm soát được vấn đề tài chính và không để phụ thuộc vào vốn vay từ bên ngoài. Chiến lược này đã giúp một số doanh nghiệp bám trụ được dù thị trường mua bán nhà đất đã trải qua giai đoạn khó khăn, thậm chí khủng hoảng. 
Bản thân nhiều doanh nghiệp BĐS cũng cho rằng, để tồn tại đến thời điểm này, các doanh nghiệp phải "làm thật, ăn thật". "Khách hàng sẽ là người quyết định việc thành bại của doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, mất niềm tin là mất tất cả", một vị lãnh đạo công ty BĐS (giấu tên) nhấn mạnh.
(Theo Bizlive) 

0 nhận xét: